VIDEO
0966712739

Thời trang Việt Nam: Lỗi thời từ mẫu đến ni

Thứ ba, 25/06/2013, 10:09 GMT+7

20.000 USD/năm là mức phí thấp nhất mà các doanh nghiệp (DN) trong ngành may mặc, thiết kế thời trang phải chi để mua thông tin dự báo xu hướng thời trang năm tới.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng chịu mở hầu bao cho khâu này.

Phong cách thời trang Việt luôn có những điểm tương tự và na ná nhau, với cùng một kiểu quần, áo, váy... mà người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp ở bất cứ cửa hàng thời trang nào, thậm chí ở lề đường, có chăng sự khác nhau là do chất liệu và mức giá.

Nhà sản xuất, thiết kế cũng khó kiện, do không biết kiện từ đâu hoặc bởi bản thân họ cũng sao chép, ngoại trừ gia công xuất khẩu, tất nhiên có muốn "sáng tạo" cũng không được.

Thế mới thấy sự phức tạp trong lĩnh vực thời trang đôi khi đến từ sự lười sáng tạo hay thậm chí tiết kiệm thái quá.

Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang, bà Mai Thanh Thủy, Giám đốc Điều hành Công ty Thời trang chuyên nghiệp Quốc tế, cho biết, nếu muốn phát triển và cạnh tranh trên thương trường thì DN phải bỏ ra một mức phí khá lớn để mua thông tin tư vấn những vấn đề liên quan về thời trang như: màu sắc, phong cách, xu hướng,...

"Mức phí rẻ nhất hiện nay khoảng 20.000USD/năm, tại các công ty tư vấn Mỹ, Ý, còn mức giá thông thường giao động từ 28.000 - 32.000 USD/năm.

Từ dữ liệu này, DN biết được thông số bộ ni của các nước trong khu vực châu Âu, châu Á... để có những thiết kế phù hợp hơn cho việc chào hàng", bà Thủy nói.

Song, trên thực tế, hầu hết DN rất ít quan tâm đến yếu tố này, minh chứng được thể hiện khá rõ tại Hội chợ Thời trang Việt Nam VIFF - 2012, diễn ra từ ngày 12 -17/10/2012 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế (đường Hoàng Văn Thụ, Q. Tân Bình, TP.HCM) với chủ đề "Vũ điệu sắc màu - Thời trang Việt" do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam phối hợp tổ chức.

Được biết, đây là hội chợ được tổ chức hằng năm nhằm giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước năng lực sản xuất và xuất khẩu của các DN dệt may Việt Nam, đồng thời phản ánh những bước phát triển mới nhất của ngành thời trang trong những năm qua, và giới thiệu những bộ sưu tập thời trang mới nhất cho mùa sau.

Thế nhưng, hơn chục gian hàng của các công ty lớn như Dệt - May Huế, Thắng Lợi, Phong Phú, Việt Tiến, Nhà Bè... "án ngữ mặt tiền" lại không có tính thời trang.

Tại các gian hàng này, hầu hết hàng hóa do DN sản xuất và bày bán đại trà, chất lượng cũng như mẫu mã rất khó để có thể nói là cạnh tranh thời trang trên thị trường nội địa, chứ chưa bàn đến việc giới thiệu đến khách hàng quốc tế.

Theo bà Thủy, ngành may mặc Việt Nam trước nay cũng có bộ ni mẫu, phục vụ nhu cầu dạy, thực tập, ứng dụng vào sản xuất, thế nhưng thông số này đã quá cũ mà vẫn không được cập nhật.

Năm 2010, Viện trưởng Viện Dệt May, TS. Nguyễn Văn Thông từng cho biết, đã hoàn tất bộ ni mẫu theo nhân trắc học dựa trên kết quả đo đạc từ 16.000 người Việt trong độ tuổi 6 - 55, theo nhu cầu kinh doanh từng nhóm mặt hàng như quần tây, sơmi, váy, quần áo trẻ em, quần áo tuổi teen..., nhưng ít DN biết đến.

Sau hai năm phổ biến, đến nay, chỉ có bốn DN đặt vấn đề về bộ ni mẫu với Viện Dệt May, trong đó có Tổng công ty May 10. Tuy nhiên, đại diện Hội Dệt May Việt Nam cũng chưa biết đến thông tin này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng văn phòng phía Nam Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) kiêm Phó tổng thư ký Vitas, cho biết:

"Thị trường dệt may Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh, nhưng tình hình hiện nay đang chia theo hai hướng: Phần đông các DN xuất khẩu chiếm thế mạnh, nên ni mẫu, chất lượng vải vóc phụ thuộc theo xu hướng của các DN nước ngoài. Trong khi đó, DN trong nước nhắm đến thị trường nội địa, chẳng hạn như An Phước, Nhà Bè, Việt Tiến, do đó chắc chắn sẽ có những bộ ni phù hợp với vóc dáng của người tiêu dùng Việt".

Có thể nói, bộ số ni mẫu rất quan trọng trong việc góp phần đưa nền thời trang đi lên, tuy nhiên, trên thực tế DN có thể biết, có thể không biết mà vẫn chưa tiếp cận được các thông số mới nhất.

Với phong cách thời trang còn "nghèo nàn" lẫn số đo ni mẫu chưa chuẩn, thì ngành thời trang Việt sẽ khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn giữa làm chủ và làm công.


Người viết : lamtuongvi