VIDEO
0966712739

Dệt may: Tăng nội địa hóa, đẩy mạnh phân phối

Thứ bảy, 05/01/2013, 09:52 GMT+7

Tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua việc thúc đẩy thu hút đầu tư vào nguyên phụ liệu, tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường mới nổi và thị trường truyền thống trọng điểm, và đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân phối, thương mại tại thị trường nội địa. Đó là những trọng tâm chính được ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra khi bàn về kế hoạch phát triển ngành dệt may và của Vinatex trong thời gian tới.

Hoạt động xuất khẩu (XK) của ngành dệt may được dự báo sẽ có nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Vậy ngành sẽ làm gì để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng XK?
 
Tính đến hết tháng 10, XK dệt may đã đạt được 12,8 tỷ USD, bằng 108% so với cùng kỳ năm 2011. Hy vọng vào tháng 11, tháng 12, thị
trường sẽ nóng lên và dự kiến nay ngành sẽ đạt xung quanh mức 17 tỷ USD. 
 
Bước sang năm 2013, chúng tôi tiếp tục dự báo tình hình kinh tế thế giới vẫn khó khăn, tiêu dùng không khả quan. Thị trường Mỹ và châu Âu có vẻ thoát khỏi cơn khủng hoảng tài chính sau khi Hy Lạp vẫn ở trong khối đồng tiền chung châu Âu, nhưng tình hình sẽ vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng mà chúng tôi đặt ra là tăng từ 10 - 15%. 
 
Trong cuộc họp trực tuyến mới đây với các đơn vị trong toàn Tập đoàn, Vinatex đã yêu cầu các đơn vị cần tập trung mạnh mẽ vào xúc tiến thương mại, đặc biệt là xúc tiến thị trường đang có tiềm năng mới trong các tháng cuối năm. Điển hình như thị trường Nhật Bản khi các doanh nghiệp (DN) Nhật có xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 
Thứ hai là thị trường Nga, cũng là thị trường mới nổi lên sau khi gia nhập WTO, và tới đây tiến hành đàm phán hiệp định FTA và liên minh thuế quan. Bên cạnh đó cần củng cố thêm thị trường Mỹ qua đàm phán TPP, thị trường EU qua FTA. Năm 2013 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nếu chúng ta đàm phán thành công thì sẽ tạo ra cầu nối tốt cho năm 2014.
 
Cũng thông qua các triểm lãm, chúng tôi mong muốn các DN có thể tiếp cận được các máy móc thiết bị có tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cao để tạo năng suất, chất lượng, tự tiêu thụ sản phẩm, đầu tư chiều sâu thiết bị thông qua triển lãm, quảng cáo sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. 
 
Hiện tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đang ở mức thấp. Vậy ngành đã có những hoạt động gì để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa?
 
Nội địa hóa sản phẩm ngành may là vấn đề lớn, bởi để nâng cao năng lực nội địa hóa thì các DN trong ngành cần nâng cao khả năng cạnh tranh, phải sản xuất nhiều hơn nữa về nguyên phụ liệu. Mặc dù đã cố gắng nhiều, nhưng kết quả còn hạn chế, vì đầu tư vào lĩnh vực này cần nguồn lực lớn, công nghệ cao và đòi hỏi chiến lược lâu dài. 
 
Hiện Chính phủ đã phê duyệt chiến lược ngành đến năm 2020, trong đó nòng cốt thực hiện là Vinatex. Chúng tôi đang triển khai các dự án như nâng cao năng lực kéo sợi có trị số cao, đầu tư năng lực dệt vải, đầu tư nghiên cứu sản xuất vải len cho các nhà máy phía Bắc, Trung, Nam ở ngoài Tập đoàn. 
 
Về đầu tư nguyên liệu, hiện Tập đoàn đang triển khai các dự án lớn, như: đầu tư sản xuất xơ visco; hoặc vấn đề nghiên cứu các loại xơ sợi sản xuất từ cây keo, cây gai để đa dạng hóa thị trường, phát triển công nghiệp phụ trợ sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho dệt may. 
 
Thị trường dệt may là thị trường lớn, nên để thực hiện nội địa hóa sâu rộng hơn cần có sự cố gắng lớn, có sự hỗ trợ của Nhà nước ở tầm vĩ mô. 
 
Cùng với việc hướng ra XK, phát triển thị trường nội địa là chiến lược đang được ngành đẩy mạnh triển khai. Vậy ông có thể chia sẻ những khó khăn của Vinatex trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng (NTD) Việt?
 
Năm 2012 là năm khó khăn khi NTD tiết kiệm chi tiêu. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã có giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nội địa, nên Vinatex vẫn đạt mức tăng trưởng 15 - 20%, với doanh thu 20.000 tỷ đồng. Hệ thống phân phối nội địa Vinatex Mart cũng được mở rộng và nâng cao, cũng như sự phát triển của hệ thống đơn vị trong Tập đoàn, như: Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Đức Giang...
 
Các giải pháp trọng tâm được đưa ra là kích thích thị trường, với nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá được thực hiện đều đặn hàng tháng, hàng quý hoặc thậm chí là hàng tuần, đem đến cho NTD giá cả hợp lý trên cả mức mong muốn, nhằm thúc đẩy tiêu thụ. Do vậy, tồn kho của ngành vẫn đảm bảo dưới mức quy định. 
 
Giải pháp năm 2013 đối với thị trường nội địa là làm sao tăng cường hơn nữa đầu mối bán hàng, tổ chức dịch vụ bán hàng tốt hơn, các biện pháp khuyến mãi. Đặc biệt đẩy mạnh khâu thiết kế thời trang, khai thác nguồn nguyên phụ liệu tốt để có mẫu mã tốt, phục vụ NTD.

(Nguồn từ: Nguyễn Sơn/Thời báo Kinh doanh)


Người viết : lamtuongvi